TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Nữ Tiến sĩ luôn cháy đam mê với Hóa học, nối dài thành tích Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam

Yêu và đam mê bộ môn Hóa học suốt những năm học phổ thông, vì thế năm 1997 khi chọn ngành thi vào đại học, cô Phạm Thị Dương quyết định thi vào ngành Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với thành tích tốt nghiệp thủ khoa của ngành, cô được chuyển tiếp học cao học Khoa Hoá học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội và nhận bằng Thạc sỹ vào năm 2004.

Tốt nghiệp đạt thành tích xuất sắc với nhiều cơ hội việc làm như chuyên viên nghiên cứu, kỹ sư điều hành trong các công ty, nhà máy,… nhưng cô Dương lại lựa chọn trở thành một giảng viên.

Cô mong muốn được truyền tải cảm hứng, niềm đam mê của bản thân với bộ môn Hóa học, nghiên cứu khoa học tới sinh viên và đóng góp một phần cho phát triển bộ môn Hóa tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, nơi cô bắt đầu hành trình "trồng người”.

Cô Phạm Thị Dương lựa chọn theo đuổi sự nghiệp giáo dục, lan tỏa niềm đam mê với bộ môn Hóa học tới sinh viên (Ảnh: NVCC)

Bắt đầu công tác tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam từ năm 2004, cô Dương nhận nhiệm vụ giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Môi trường, Khoa Máy tàu biển của nhà trường.

Bên cạnh hoạt động giảng dạy, cô còn tích cực tham gia công tác Đoàn thể và trở thành Tổ trưởng công đoàn Bộ môn, Phó bí thư liên chi đoàn giáo viên, Ủy viên Ban chấp hành công đoàn Khoa Máy tàu biển.

Đến năm 2011, cô quyết định học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội để trau dồi bản thân. Năm 2016, cô xuất sắc nhận bằng Tiến sĩ.

Là một trong những giảng viên trẻ có trình độ chuyên môn cao, từ năm 2015 đến nay, cô Dương được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng bộ môn Hóa học, Viện Môi trường thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Để phát huy thế mạnh của bản thân khi được trang bị kiến thức chuyên sâu về Hóa học, cô Dương đặt ra mục tiêu hàng đầu là phát triển, nâng cao chất lượng giảng dạy và thu hút sự lựa chọn của sinh viên đối với Viện môi trường nói chung và đối với ngành Kỹ thuật Công nghệ Hóa học nói riêng.

Theo đó, cô luôn tâm huyết, sáng tạo trong giảng dạy và mạnh dạn đưa ra các phương hướng bồi dưỡng nhân sự của ngành.

Bộ môn Hóa của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hợp tác cùng Tập đoàn DOW Chemical (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Cô Dương cho biết: “Bộ môn Hóa của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được thành lập từ năm 1976.

Chức năng chủ yếu của Bộ môn trong giai đoạn từ năm 2015 trở về trước là giảng dạy các môn hóa cơ bản, cơ sở cho các ngành đại học trong Trường.

Từ năm 2015, Bộ môn được Nhà trường giao tổ chức đào tạo đại học chính quy chuyên ngành Kỹ thuật Hóa dầu nay là Kỹ thuật Công nghệ Hoá học.

Trong những năm qua, bộ môn đã từng bước khẳng định được uy tín, tạo được vị thế chắc chắn trong trường Đại học Hàng hải Việt Nam về đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng trường trọng điểm quốc gia.

Đến nay, Bộ môn Hóa học quản lý và tổ chức giảng dạy gần 30 học phần cho chuyên ngành Kỹ thuật Công nghệ Hoá học và một số học phần cho chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường cũng như các ngành đào tạo khác trong trường”.

Song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn, cô Dương đã truyền cảm hứng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của bản thân để đẩy mạnh phong trào nghiên cứu của sinh viên và đội ngũ giảng viên.

Ngay từ những ngày đầu về trường, cô đã rất tích cực phát triển trong phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên cho ngành Kỹ thuật Môi trường và đạt được nhiều thành tích cao.

Bản thân cô Dương từ năm 2015 đến nay, chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giao thông vận tải đã được nghiệm thu hoàn thành đúng tiến độ và đạt kết quả tốt.

Mỗi năm, cô đều chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, đã nghiệm thu và đạt loại xuất sắc.

Cô cũng tích cực tham gia viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Năm 2016, cô xuất bản 1 giáo trình “Quá trình chuyển khối trong Kỹ thuật môi trường".

Cô Dương (đứng thứ 3 từ trái sang) tích cực đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học đối với sinh viên và giảng viên bộ môn (Ảnh: NVCC)

Cô Dương chia sẻ: “Với vai trò lãnh đạo bộ môn, tôi chú trọng cho hoạt động nghiên cứu khoa học bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong những năm tới.

Giảng viên bộ môn đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Trường trọng điểm và cấp Trường. Tích cực viết và đăng nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế, tạp chí khoa học chuyên ngành.

Bộ môn Hóa học hiện có 12 cán bộ, giảng viên trong đó có 10 giảng viên, 2 kỹ thuật viên. Hiện tại, 50% giảng viên Bộ môn đạt trình độ Tiến sĩ; 50% giảng viên còn lại đang học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

Dự kiến đến cuối năm 2021, bộ môn có 80% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, đến năm 2022 là 90% và đến năm 2024 là 100%.

Đội ngũ giảng viên Bộ môn rất tích cực trong đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, lấy thực tiễn làm trung tâm, giảng dạy tích hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Bộ môn đã tiến hành xây dựng, vận hành và phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên trong công tác phát triển đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”.

Giảng viên, sinh viên bộ môn Hóa cùng nhau sản xuất nước sát khuẩn tay phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 của nhà trường (Ảnh: NVCC)

Với sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ giảng viên, những năm gần đây, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của ngành Kỹ thuật Công nghệ Hoá học trong trường đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Mặc dù số lượng sinh viên ít nhưng hàng năm đều có những nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và đạt thành tích cao.

Trong đó, năm học 2018 - 2019, nhóm sinh viên của ngành đã đạt Giải nhì cấp trường và tham dự giải Quốc gia.

Năm học 2019 - 2020, có 2 nhóm sinh viên đạt giải Nhì cấp Trường, trong đó 01 nhóm đạt Giải nhì cấp Quốc gia. Năm học 2020-2021, có 1 nhóm đạt giải Nhất cấp Trường.

Thành quả trên là do sự mạnh dạn, quyết tâm của lãnh đạo Viện, bộ môn trong công tác bồi dưỡng nhân sự, nhưng quan trọng hơn cả là sự tâm huyết, cố gắng nỗ lực và đồng lòng của toàn thể giảng viên trong bộ môn.

Cô Dương cũng chia sẻ thêm về nỗi trăn trở khi thực tế hiện nay, nhu cầu việc làm trong lĩnh vực hoá tại các doanh nghiệp đang rất cao nhưng tuyển sinh đầu vào của ngành lại gặp không ít khó khăn.

Đối với học sinh trung học phổ thông, lĩnh vực Hóa học không phải là sự ưu tiên hàng đầu nên việc tuyển sinh đầu vào của ngành Kỹ thuật Công nghệ Hóa học của nhà trường cũng bị hạn chế về số lượng và chất lượng.

“Với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp tại Hải Phòng, cơ hội việc làm khi ra trường đối với sinh viên của ngành là rất cao.

Sinh viên sau khi ra trường hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sinh viên Hóa của các trường đại học trên Hà Nội để đảm nhận các vị trí cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp sản xuất: nhựa, sơn, mỹ phẩm, vật liệu silicat, chất tẩy rửa, hoá chất phân bón,…

Nhận thức được việc đó, được sự ủng hộ của lãnh đạo Viện Môi trường, của nhà trường, bản thân cũng động viên cán bộ, giảng viên trong bộ môn tích cực trong các hoạt động quảng bá tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong những năm qua, các hoạt động quảng bá tuyển sinh được triển khai tích cực như tham gia ngày hội tư vấn quảng bá tuyển sinh của nhà trường với nhiều hoạt động lý thú.

Đăng tải thông tin tuyển sinh trên trang web của trường, trên các trang mạng xã hội và cả tư vấn tuyển sinh tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Bộ môn cũng đã và đang tích cực phối hợp với các Viện nghiên cứu, với các doanh nghiệp để đưa sinh viên đến thực tập tại cơ sở, kết nối doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường” cô Dương cho biết.

Nguồn: PHẠM LINH (báo Giáo dục Việt Nam)