TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Khoa Điện - Điện Tử

Liên hệ
Địa chỉ: 
Phòng 809 - Nhà A6- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam- 484 Lạch Tray- Lê Chân- Hải Phòng
Điện thoại: 
(0225)-735 683

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN KHOA ĐIỆN – ĐIỆN TỬ 
GIAI ĐOẠN TIỀN THÀNH LẬP (TRƯỚC NĂM 1962)
Trong những năm cuối của thập niên 1950, khi cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến hành cách mạng giải phóng ở miền Nam, Trường Sơ cấp lái tàu đã được thành lập ngày 1/4/1956 tại Nhà máy nước đá, đường Cù Chính Lan, Tp. Hải Phòng (tiền thân của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam ngày nay) nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo các cán bộ kỹ thuật phục vụ cho ngành hàng hải của Việt Nam.
Đầu năm 1957, Trường Sơ cấp Hàng hải được thành lập, trụ sở tại số 5 Bến Bính, Hải Phòng, trên cơ sở sáp nhập Trường Sơ cấp Lái tàu và Trường Sơ cấp Máy tàu.
Đầu năm 1959, Trường sơ cấp hàng hải được nâng cấp lên thành trường Trung cấp hàng hải, trực thuộc Tổng cục Giao thông thủy bộ. Tháng 9 năm 1959, Trường chuyển trụ sở về số 8 Trần Phú và tổ chức tuyển sinh khóa 1. Trường có 2 Khoa là Khoa Hàng hải và Khoa Cơ điện. Trong điều kiện vô cùng khó khăn về tài liệu, cơ sở vật chất nói chung của cả nước, sinh viên khoá 1 của Khoa Cơ điện chỉ được học chủ yếu các môn về máy tàu thuỷ, còn các môn về điện tàu gặp rất nhiều khó khăn, chỉ được học điện thực hành do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tiên giảng dạy.
Tháng 7 năm 1961, bộ phận Điện tàu thủy thuộc Ban Máy tàu thủy đã được thành lập, tạo cơ sở tiền đề thành lập Khoa Điện tàu thuỷ về sau. Bộ phận gồm hai thầy là Lê Xuân Khảm, Nguyễn Anh Côn và đến cuối năm 1961 bổ sung thêm thầy Phan Xuân Ngọc (tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Thượng Hải) làm Trưởng ban, nâng tổng số giảng viên lên thành 03 người.

Ba Thầy giáo đầu tiên của Khoa: Nguyễn Anh Côn, Phan Xuân Ngọc, Lê Xuân Khảm (từ trái sang phải)

GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP (TỪ NĂM 1962 ĐẾN NAY)
Giai đoạn 1962 – 1966
Ngày 30 tháng 05 năm 1962, Khoa Điện khí - Tự động hoá tàu thủy (sau gọi tắt là Khoa Điện tàu thủy) thuộc Trường Trung cấp Hàng hải được thành lập theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện. Thầy Phan Xuân Ngọc làm Trưởng Khoa. Lúc này, Trường chuyển trụ sở về tiếp quản Trường học sinh miền Nam số 19 và 21 tại Cầu Rào – 338 Lạch Tray. Trong năm đầu thành lập, Khoa có một lớp là 6131 gồm 17 sinh viên đã học xong năm thứ nhất Khoa Máy tàu thủy, phải học 03 năm tiếp theo về Điện tàu thủy (hệ 7+4).
Trong năm học 1962 - 1963, Khoa tuyển sinh khoá đầu tiên - lớp 6231 (hệ 7+3) với số lượng 50 sinh viên. Hè năm 1962, thầy Lê Xuân Cộng (tốt nghiệp đại học ở Ba Lan) được bổ sung về Khoa, nâng số giảng viên trong Khoa lên 04 người.
Cuối tháng 12 năm 1962, trường Trung cấp Hàng hải được đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ về đào tạo giảng viên, xây dựng mục tiêu đào tạo và giúp đỡ xây dựng phòng thí nghiệm Máy điện - Khí cụ điện.
Đầu năm 1963, Khoa được bổ sung thêm ba thầy giáo: Đặng Công Bình, Nguyễn Đình Kiểm, Nguyễn Bá Quảng, nâng tổng số giảng viên trong Khoa lên thành 07 người. 

Thầy Phan Xuân Ngọc – Trưởng Khoa (ở giữa) cùng các thầy Lê Xuân Cộng, Nguyễn Đình Kiểm, Đặng Công Bình (hàng trên), Nguyễn Bá Quảng, Lê Xuân Khảm, Nguyễn Anh Côn (hàng dưới)

Năm 1963, Khoa tuyển sinh lớp 6331 (hệ 10+3).
Năm 1964, thầy Lê Xuân Khảm và nhiều sinh viên đã nhập ngũ, lên đường chiến đấu để giải phóng miền Nam. Hầu hết các giảng viên và sinh viên của Nhà trường và Khoa đều được bổ sung vào Hải quân, đặc biệt thầy Lê Xuân Khảm và một số sinh viên đã tham gia vào đoàn tàu Không số, làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Các đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của nguời chiến sỹ cách mạng, tôn vinh vẻ đẹp của Khoa và Nhà trường.
Năm 1964, thầy Phan Xuân Ngọc đi thực tập tại Trung Quốc, thầy Lê Xuân Cộng được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa. Trong năm này, Khoa tuyển sinh lớp 6431 (hệ 10+3).
Năm 1965, đội ngũ giảng viên được tăng cường gồm các thầy: Phan Xuân Phổ, Dương Văn Lương, Đỗ Đức Thắng, Ngô Tùng, Hồ Xuân Anh. Khoa tuyển thêm lớp 6531 (hệ 10+3), tổ chức thi tốt nghiệp hai lớp 6131 và 6231. Trong năm 1965, cả Trường đi sơ tán, Khoa chuyển về Xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, được gọi là Cơ sở 4. Tại đây, Khoa mở lớp tại chức ngành Điện thiết bị cho giảng viên chưa tốt nghiệp đại học và một số giảng viên chuyển ngành.
Giai đoạn 1966 – 1969
Năm 1966, Trường Trung cấp Hàng hải thành lập Khoa Đại học Hàng hải tại địa điểm sơ tán huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, gồm 03 ngành: Boong, Máy, Điện (Điện sử dụng và Điện thiết bị). Thầy Lê Xuân Cộng chuyển về phòng Giáo vụ. Thầy Ngô Tùng được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa.
Giảng viên của Khoa được bổ sung thêm các thầy: Lê Trọng Hùng, Nguyễn Văn Hậu, Lê Đức Lưu, Trần Mạnh Nghiêm, Hoàng Tiến Hưng, Tạ Hữu Bàng, Vũ Minh Châu, Dương Đình Phổ, Phạm Kim Phúc (dạy chính trị), Phạm Xuân Thống, Vũ Đức Quyền (môn Máy tàu), Lý Ngọc Miên (môn Nga văn).
Năm 1968, lực lượng giảng viên của Khoa được tăng cường các thầy cô giáo: Phạm Hồng Sơn (từ Liên Xô), Đỗ Văn Cư, Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Thị Bưởi, Phan Văn Ích, Phan Xuân Ngọc (từ Ba Lan về). Khoa tuyển sinh 02 lớp Đại học (Khoá 3): 331 và 341 và tuyển sinh 02 lớp trung cấp: 6831 và 6832, hệ 7+3. 

Thầy và Trò lớp Điện sử dụng – Khóa 1 Đại học sau lễ tốt nghiệp năm 1971

Giai đoạn 1969 – 1974
Tháng 6/1969 Khoa Đại học Hàng hải tách khỏi Trường Hàng hải, cùng với một số khoa được tách từ Trường Đại học Giao thông để thành lập Phân hiệu Đại học Giao thông đường thuỷ. Từ đây, Khoa chia thành hai nhánh: Tổ môn Điện tàu thuỷ thuộc Khoa Hàng hải, Phân hiệu Trường Đại học Giao thông đường thủy và Khoa Điện thuộc Trường Hàng hải. Thầy Lê Xuân Cộng tiếp tục làm Trưởng Khoa Điện. Khoa Hàng hải do thầy Võ Đình Xuân làm Trưởng Khoa, tổ môn Điện tàu thủy do thầy Phan Xuân Ngọc làm tổ trưởng. Tổ được bổ sung thêm các thầy Nguyễn Văn Tuấn, Phạm Chu, Phan Văn Bê, Thân Ngọc Hoàn.
Năm học 1969 - 1970, Tổ môn Điện tàu thủy tuyển sinh 01 lớp Đại học là lớp Điện sử dụng (Khoá 4 Đại học Hàng hải – Khóa 10 Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy). Từ đây trường không đào tạo ngành Điện thiết bị nữa.
Cuối năm 1970, Khoa Điện, Trường Hàng hải chuyển về Cầu Rào, Hải Phòng.
Giữa năm 1971, thầy Võ Đình Xuân từ trần, thầy Vũ Minh Châu được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hàng hải, Phân hiệu Trường Đại học Giao thông đường thủy. Cuối năm 1971, Khoa Hàng Hải chuyển về Phương Lưu, Hải Phòng. Ngày 14/2/1972, đế quốc Mỹ đánh phá Hải Phòng, toàn bộ giảng viên, sinh viên sơ tán về các xã ngoại thành Hải Phòng (Bát Trang, An Lão, sau một học kỳ lại sơ tán về Tiên Cường, Tiên Lãng). Năm 1972, Tổ môn Điện tàu thủy tuyển sinh 01 lớp Đại học (Khoá 13 của phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy).
Tháng 12 năm 1972, sau khi về lại Cầu Rào, Hải Phòng từ nơi sơ tán, thầy Phan Xuân Phổ được bổ nhiệm Quyền Trưởng Khoa Điện, Trường Hàng hải.
Tháng 3 năm 1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, Tổ Điện cùng Khoa Hàng hải, Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy về lại Phương Lưu, Hải Phòng.
Giai đoạn 1974 - 1976
Tháng 01 năm 1974, Khoa Hàng hải tách khỏi phân hiệu Đại học giao thông Đường thuỷ, sáp nhập với Trường Hàng hải để chuẩn bị các điều kiện thành lập Trường Đại học Hàng hải tại số 338 Lạch Tray, Hải Phòng. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, thầy Trần Mạnh Nghiêm được Nhà trường giao trách nhiệm phụ trách Khoa.
Tháng 05 năm 1974, Tổ Điện tàu thủy cùng với Khoa Điện của Trường Hàng hải thành lập Khoa Điện tàu thủy. Thầy Vũ Minh Châu làm Trưởng Khoa.

Khoa gồm ba tổ bộ môn: Cơ sở, Chuyên môn và Kỹ thuật điện.
Đội ngũ giảng viên trong Khoa gồm các thầy cô giáo: Vũ Minh Châu, Phan Xuân Ngọc, Phạm Hồng Sơn, Đỗ Văn Cư, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn, Phan Văn Bê, Dương Đình Phổ, Đỗ Quang Nghiêm, Đặng Công Bình, Đặng Minh Tân, Lưu Đình Hiếu; Bùi Thanh Sơn, Vũ Văn Phong, Phạm Ngọc Tiệp (từ Ba Lan); Nguyễn Văn Hân (từ Trung Quốc); Nguyễn Trọng Chúng, Hồ Xuân Anh. Tháng 5/1975, thầy Phan Xuân Ngọc được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa. Thầy Phạm Hồng Sơn làm Phó Trưởng Khoa.
Giai đoạn 1976 – 1984
Ngày 07/07/1976, Trường Đại học Hàng Hải được thành lập trên cơ sở Trường Hàng hải và Khoa Hàng Hải thuộc Phân hiệu Trường Đại học Giao thông đường thuỷ. Thầy Phan Xuân Ngọc tiếp tục làm Trưởng Khoa Điện tàu thủy. Sau đó Khoa được bổ xung thêm các thầy: Lê Văn Ba, Mai Văn Đệ (từ Liên Xô); TS. Nguyễn Quý Đàm (từ Rumani); Lưu Kim Thành, Võ Quang Hải và Phan Duy Đoá. Đến năm 1979, Khoa được bổ sung thêm các thầy: Nguyễn Hữu Khương, Vương Văn Sự, Vũ Bá Bàn, Kiều Đình Bình.
Ngày 21/4/1980, được sự đồng ý của Bộ Đại học, Khoa được đào tạo sinh viên ngành Vô tuyến điện hàng hải. Bộ môn Vô tuyến điện hàng hải được thành lập. Khoa được đổi tên thành Khoa Điện – Vô tuyến điện hàng hải, do thầy Phạm Hồng Sơn làm Trưởng Khoa.
Cơ cấu Khoa gồm 04 bộ môn: Kỹ thuật điện, Trạm phát điện, Truyền động điện và Vô  tuyến điện. Ban đầu Bộ môn Vô tuyến điện gồm các thầy: Hoàng Anh Tuấn (Phó Trưởng khoa kiêm Trưởng Bộ môn), Lê Văn Uẩn, Phạm Ngọc Tiệp, Đặng Công Bình, Ngô Quốc Trung. Sau đó bổ sung thêm các thầy cô giáo: Trần Đức Inh (từ Cảng về), Trần Xuân Việt (từ Bách Khoa), Hoàng Thị Vân, Nguyễn Văn Bán, Đặng Minh Đường, Lê Quốc Vượng (từ Bungari).
Ngày 16 tháng 01 năm 1981, Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường  Đại học Hàng hải với diện tích 14ha tại trung tâm Thành phố Hải Phòng, số 484 Lạch Tray. Đây chính là địa điểm của Trường, trong đó có Khoa Điện – Điện tử tàu biển ngày nay.
Giai đoạn 1984 – 1999
Tháng 3 năm 1984, phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy sáp nhập vào Đại học Hàng Hải (Trường Đại học Hàng hải vẫn giữ nguyên phiên hiệu). Khoa được bổ sung các thầy giáo: Thân Ngọc Hoàn (từ Ba Lan về lại), Chu Bùi Thao và Nguyễn Văn Lăng. Từ năm 1984, Khoa bắt đầu tham gia cùng Nhà trường đào tạo các lớp Điện trưởng và Sĩ quan điện làm việc trên các tàu biển.
Năm 1985, bộ môn Vô tuyến điện được tăng cường các thầy: Nguyễn Ngọc Sơn, Phạm Văn Phước, Phạm Trọng Tài, Ngô Xuân Hường (các sinh viên khoá đầu tiên của ngành Vô tuyến điện).
Tháng 8/1988, cơ cấu của Khoa có sự thay đổi, thành 03 bộ môn: Tự động – Năng lượng, Truyền động điện và Vô tuyến điện.
Trong giai đoạn 1988 – 1991, một số thầy giáo Khoa Điện chuyển vào Phân hiệu Trường Đại học Hàng hải tại Tp. Hồ Chí Minh (tiền thân của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), gồm các thầy: Phạm Hồng Sơn - Hiệu phó Trường Đại học Hàng Hải kiêm Giám đốc Phân hiệu, Nguyễn Hữu Khương, Đồng Văn Hướng, Vương Văn Sự, Nguyễn Trọng Linh, Trần Hoài An.
Cuối năm 1991, thầy GS.TSKH. Thân Ngọc Hoàn được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa. Trong thời gian này, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo Cao đẳng tin học với sự tham gia của các giảng viên chuyên ngành toán tin, thành lập Bộ phận Công nghệ thông tin, sau đó tách ra khỏi Khoa thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin (tiền thân của khoa Công nghệ thông tin ngày nay).
Năm 1993 Khoa bắt đầu đào tạo cao học ngành Tự động điện.
Tháng 5/1995, thầy Vũ Văn Phong được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa.
Năm 1997, Khoa có lớp Cao học khóa 1 ngành Tự động điện tốt nghiệp, gồm các thầy giáo: Vũ Văn Phong, Nguyễn Tất Dũng, Bùi Văn Dũng, Phan Đăng Đào, Nguyễn Tiến Dũng, Tống Lâm Tùng, Hứa Xuân Long.
Ngày 01/04/1998, Khoa Điện - Vô tuyến điện vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, ghi nhận nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp đào tạo nhân lực ngành Hàng hải Việt Nam cũng như trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất và các phong trào khác.
Giai đoạn 1999 đến nay
Ngày 13/03/1999, trường đã giao trọng trách cho Khoa đào tạo kỹ sư ngành điện tự động. Bộ môn Điện tự động công nghiệp được thành lập. Bộ môn gồm các thầy giáo: PGS.TS Lưu Kim Thành được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn, Nguyễn Tất Dũng, Hoàng Xuân Bình, Đặng Hồng Hải, Trần Anh Dũng, Trần Sinh Biên.
Từ đây, Khoa mang tên Điện - Điện tử tàu biển, gồm 4 bộ môn: Hệ thống tự động tàu thuỷ, Truyền động điện tàu thuỷ, Điện tử - Viễn thông và Điện tự động công nghiệp.
Tháng 5 năm 2002, thầy PGS.TS Phạm Ngọc Tiệp được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa.
Tháng 6 năm 2004, chuyên ngành đào tạo cao học Tự động điện của Khoa được đổi tên thành ngành Tự động hoá.
Tháng 11 năm 2005, thầy PGS.TS Lưu Kim Thành được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa.
Ngày 09/11/2007, Khoa Điện - Điện tử tàu biển vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì, ghi nhận những thành tựu nổi bật của Khoa trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Năm 2010, Khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo cao học chuyên ngành Kỹ thuật điện tử.
Ngày 25/12/2013, Khoa Điện- Điện tử tàu biển được đổi tên thành Khoa Điện-Điện tử
KHOA ĐIỆN - ĐIỆN TỬ HIỆN NAY
Trong suốt hơn 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, với đội ngũ cán bộ giảng dạy không ngừng phát triển về số lượng, được chuẩn hoá về chất lượng cùng với cơ sở vật chất quy mô, hiện đại, với sự đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, Khoa Điện - Điện tử tàu biển luôn là một trung tâm đào tạo có uy tín và vị thế trong xã hội trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong ngành hàng hải. Hàng năm, Khoa đã đào tạo hàng trăm sinh viên hệ chính quy cũng như vừa làm vừa học. Các thế hệ sinh viên sau khi ra trường hầu hết có việc làm ngay, đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, hăng say lao động và công tác, góp phần vào sự nghiệp dựng xây đất nước. Trong đó, nhiều sinh viên là những cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đang giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan Trung ương, địa phương, cũng như các ngành trọng điểm của nền kinh tế nước nhà.
Những thành tựu đạt được của Khoa ngày hôm nay là do sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ Thầy và Trò, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu Nhà trường, sự định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo Khoa qua các thời kỳ. Phương châm: “Lấy người học làm trung tâm, chất lượng giáo dục là hàng đầu” đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Khoa.
Những thành tích nổi bật hiện nay của Khoa được thể hiện trong các công tác, nhiệm vụ sau:
1. Công tác giảng dạy, đào tạo và quản lý sinh viên
* Chức năng, nhiệm vụ:
Khoa Điện – Điện tử được Nhà trường giao trọng trách đào tạo cả bậc đại học và sau đại học trong đó:
+ Đào tạo bậc Đại học cho 04 chuyên ngành: Điện tự động tàu thuỷ, Điện tự động công nghiệp, Điện tử – Viễn thông và Tự động hóa hệ thống điện. Trong đó hai chuyên ngành Điện tự động công nghiệp và Tự động hóa hệ thống điện có đào tạo Cao đẳng.
+ Đào tạo thạc sỹ cho 02 chuyên ngành: Tự động hoá và Kỹ thuật điện tử.
+ Đào tạo tiến sỹ ngành: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
* Giảng dạy và quản lý sinh viên:
Hiện nay Khoa đang quản lý 39 lớp Đại học và Cao đẳng chính quy, với số lượng trên 2000 sinh viên; giảng dạy 04 lớp Cao học và hướng dẫn 05 nghiên cứu sinh.
Khoa đang kết hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà trường giảng dạy một số lớp Đại học hệ Vừa làm vừa học và Liên thông.
Ngoài ra, Khoa tham gia đào tạo nhiều lớp Đại học của các ngành khác của Trường.
* Công tác huấn luyện:
Tham gia huấn luyện sỹ quan Điện tàu thủy, sỹ quan hàng hải, an toàn cơ bản và nâng cao cho thuyền viên theo yêu cầu công ước quốc tế STCW 78/2010.
Huấn luyện đặc biệt cho thuyền viên: Mô phỏng RADAR/ARPA, GMDSS…
* Về qui mô đào tạo:
Từ ngày thành lập đến nay đã đào tạo: trên 5000 kỹ sư, 200 thạc sỹ, gần 400 Điện trưởng và Sĩ quan điện.
Khoa đã đổi mới toàn diện chương trình đào tạo cho 3 chuyên ngành đại học hệ chính qui, 2 chuyên ngành cao học, mở thêm 1 chuyên ngành đại học, 2 chuyên ngành Cao đẳng và 1 ngành tiến sĩ phù hợp với tình hình mới của Đất nước.
Xây dựng mới chương trình đào tạo sĩ quan điện tàu thủy theo công ước STCW78/2010, đã đưa vào giảng dạy, huấn luyện các lớp sĩ quan điện từ năm 2015 phục vụ cho ngành vận tải biển Việt Nam.
2. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên
Ban chủ nhiệm Khoa:
         Trưởng Khoa: PGS.TS. Trần Anh Dũng
         Phó Trưởng Khoa: PGS.TS. Hoàng Đức Tuấn
                                    TS. Đào Minh Quân
Hiện nay Khoa có 58 CBGV và công nhân viên, biên chế vào 4 bộ môn:
+ Bộ môn Tự động hóa hệ thống điện     : 13 CBGV
+ Bộ môn Điện tự động  tàu thủy            : 12 CBGV
+ Bộ môn Điện tự động công nghiệp       : 16 CBGV
+ Bộ môn Điện tử – Viễn thông               : 17 CBGV
Trình độ học vấn của giảng viên hiện nay như sau:
+ Phó Giáo sư             : 07
+ Tiến sỹ                    : 15
+ Thạc sỹ                   : 40
+ Giảng viên chính      : 14
+ Điện trưởng            : 14
+ Đài trưởng              : 07
+ Nghiên cứu sinh     : 13 (trong nước: 05 và nước ngoài: 08)
Trong Khoa có một Đảng bộ cơ sở gồm 47 đảng viên và 04 Chi bộ trực thuộc.
Công đoàn Khoa gồm 58 công đoàn viên sinh hoạt theo 4 tổ công đoàn, Liên chi đoàn Thanh niên CSHCM của Khoa có trên 2000 đoàn viên sinh hoạt tại 39 chi đoàn sinh viên và 01 chi đoàn giáo viên.
3. Xây dựng cơ sở vật chất
Nhà trường đã trang bị cho Khoa các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập:
+ Phòng thí nghiệm Hệ thống Tự động hóa            
+ Phòng thí nghiệm Kỹ thuật điện tử            
+ Phòng thí nghiệm Máy điện và Cơ sở truyền động điện          
+ Phòng thí nghiệm Đo lường và kỹ thuật điện            
+ Phòng thí nghiệm Điều khiển quá trình công nghệ            
+ Phòng thí nghiệm Hệ thống tự động và Trạm phát điện
+ Phòng thí nghiệm Lập trình điều khiển hệ thống            
+ Phòng thí nghiệm Mô hình hóa và Mô phỏng            
+ Phòng thực hành Kỹ thuật điện tử
+ Phòng thực hành Máy điện và Khí cụ điện
+ Phòng thực hành Bảng điện chính tàu thủy
+ Phòng thực hành các bộ khởi động
+ Phòng thí nghiệm mô phỏng hệ thống điện (đang xây dựng)
+ Phòng thí nghiệm cao áp (đang xây dựng)
+ Phòng thí nghiệm bảo vệ rơ le (đang xây dựng)         
Ngoài cơ sở vật chất được Nhà trường trang bị kể trên, tập thể giảng viên của Khoa luôn cố gắng duy trì, nâng cao và tự bổ sung trang thiết bị để sinh viên có điều kiện thực hành, thí nghiệm có chất lượng. Trong số các bài thí nghiệm mới có xuất xứ từ các sản phẩm của nhiều sinh viên, học viên cao học khi hoàn thành đồ án, luận văn tốt nghiệp tặng lại cho Khoa.
4. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Cùng với công tác giảng dạy, Khoa luôn xác định đây là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Các công trình khoa học của Khoa liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng trong những năm gần đây.
Các công trình khoa học của toàn Khoa (trong vòng 05 năm từ 2010 đến 2015) bao gồm:
+ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước                                            : 01
+ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ                                                      : 07
+ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường                                               : 100
+ Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên                                              : 50
+ Các công trình công bố trên báo, tạp chí chuyên ngành  trong và ngoài nước : 150
+ Các báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước              : 30
+ Các bài báo trong Tuyển tập nội san nghiên cứu khoa học Khoa Điện – Điện tử: 120
+ Giáo trình, bài giảng chi tiết, sách tham khảo đã xuất bản: 88
Trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, Khoa Điện – Điện tử là một trong các khoa của Nhà trường luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa các thiết bị tự động tàu thuỷ; tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các Công ty đóng tàu và các Công ty vận tải biển.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa đã thực hiện được hàng trăm hợp đồng sửa chữa, tư vấn lắp đặt hệ thống, trang thiết bị điện tự động, vô tuyến điện, nghi khí hàng hải cho các nhà máy đóng tàu và các công ty vận tải biển.
Tham gia thiết kế kỹ thuật (phần điện tự động, thiết bị hàng hải) cho các tàu chở dầu, tàu chở hàng phục vụ huấn luyện của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Tham gia lắp đặt chuyển giao công nghệ các hệ thống tự động, các trang bị điện cho các tàu đóng mới trong các nhà máy và công ty đóng tàu Việt Nam: Phà Rừng, Bến Kiền, Nam Triệu, Hạ Long, Bạch Đằng, Dung Quất...
5. Định hướng phát triển của Khoa trong thời gian tới
Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Khoa đã đề ra một số định hướng phát triển trong thời gian tới như sau:
+ Mở rộng quy mô tuyển sinh các hệ Cao học, Đại học, Cao đẳng; Mở các lớp đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu thị trường; Mở  lớp đại học chất lượng cao chuyên ngành Điện tự động công nghiệp từ năm 2016.
+ Tiếp tục triển khai đào tạo Sỹ quan điện theo công ước STCW78/2010 phục vụ cho ngành vận tải biển Việt Nam.
+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ học vấn cao, vững vàng chuyên môn, giỏi ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
+ Nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên, học viên và sinh viên theo hướng gắn kết khoa học với thực tiễn, phát triển các hướng học thuật mới theo kịp sự thay đổi của khoa học kỹ thuật trong khu vực và thế giới.
+ Duy trì, đẩy mạnh các mối quan hệ truyền thống với các cơ sở sản xuất, các công ty, nhà máy đóng tàu để thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ; mở rộng địa bàn lao động sản xuất không những trong ngành công nghiệp tàu thủy mà cả trong những ngành khác trên bờ.
1.Các hướng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Khoa Điện – Điện tử
a.Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
b.Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ công tác kiểm toán, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
c.Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các hệ thống phát, truyền tải, cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống chống sét, hệ thống an ninh, an toàn điện.
  Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các hệ thống điều khiển tự động điện công nghiệp, các hệ thống đo lường và bảo vệ hệ thống điện.
e.Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các hệ thống năng lượng điện, các hệ thống tự động và truyền động điện tàu thủy.
f.Nghiên cứu các phương pháp điều khiển chuyển động và định vị tàu thủy đảm bảo tối ưu về năng lượng và chất lượng động học.
g.Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các hệ thống xử lý chất thải, nước thải trong công nghiệp và trên tàu thủy.
  Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các hệ thống thông tin hàng hải, các hệ thống định vị vệ tinh, các hệ thống anten và truyền sóng.