Hội thảo: “Đổi mới đào tạo ngành máy tàu biển đáp ứng yêu cầu thực tiễn”
Sáng 1/7/2022, Khoa Máy tàu biển - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Đổi mới đào tạo ngành máy tàu biển đáp ứng yêu cầu thực tiễn”. Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Khoa Máy tàu biển (1/7/1956 - 1/7/2022), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Máy tàu biển nói riêng, của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nói chung.
Đến dự với Hội thảo có PGS.TS Phạm Xuân Dương - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, các đồng chí trong Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, Công đoàn, ĐTN-HSV, Thủ trưởng các đơn vị; lãnh đạo Khoa Máy tàu biển các thời kỳ, các tổng công ty/công ty/doanh nghiệp là đối tác của Nhà trường, cựu sinh viên cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Máy tàu biển.
PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Dương - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: ngày này cách đây 66 năm, ngày 1/7/1956, tại trụ sở số 05 Bến Bính, Hải Phòng, Trường Sơ cấp máy tàu được thành lập, là tiền thân của Khoa Máy tàu biển - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hôm nay. Trải qua 66 năm xây dựng, hội nhập và phát triển, hàng vạn sinh viên máy tàu tốt nghiệp, đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong ngành và đóng góp lớn cho phát triển vận tải biển, khẳng định chỗ đứng của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới.
Hiệu trưởng thông tin thêm: Năm 2021, hoạt động kiểm định diễn ra liên tục trong vòng 5 ngày một cách nghiêm túc và hiệu quả dựa trên 11 tiêu chuẩn cùng 50 tiêu chí của AUN-QA với 04 chương trình đào tạo trong đó có chương trình Máy tàu biển. Đây chính là một trong các chuyên ngành thế mạnh và đặc thù của Nhà trường, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước cũng như định hướng phát triển của Thành phố Hải Phòng. Với quy trình chặt chẽ, minh bạch và toàn diện, sự thành công của chương trình đánh giá ngoài từ xa đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA là sự khẳng định rõ nét cho chất lượng đào tạo hàng đầu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; đồng thời sẽ là bước đệm vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu trở thành trường đại học định hướng ứng dụng trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế biển của khu vực ASEAN (vào năm 2025) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (vào năm 2030).
PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường cùng PGS.TS Lê Văn Điểm - Trưởng khoa Máy tàu biển tặng hoa tri ân lãnh đạo Khoa Máy tàu biển các thời kỳ
PGS.TS Lê Văn Điểm - Trưởng khoa thay mặt Khoa Máy tàu biển phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Điểm - Trưởng khoa thay mặt Khoa Máy tàu biển nói lời tri ân tới các thế hệ thầy cô đã bằng công sức, trí tuệ của mình xây dựng nên truyền thống Khoa Máy tàu biển giàu về trí tuệ, mạnh về thực tiễn, luôn giữ vững là lá cờ đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng hải. Những đóng góp, cống hiến của các thế hệ nhà giáo Khoa Máy tàu biển đã được ghi nhận bằng các thành tích nổi bật như: Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng 3 năm 1996; Huân chương Lao động hạng hai năm 2000, huân chương Lao động hạng nhất năm 2007; Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen năm 2006; bằng khen của Bộ GTVT, Bộ GD-ĐT các năm 2004, 2008, 2015 và nhiều thành tích khác. Tự hào đã nối tiếp được truyền thống vẻ vang của ngành, đội ngũ cán bộ, nhà giáo ngành Máy hôm nay vừa chắc về học thuật - là các GS, TS; vừa vững về chuyên môn - là các máy trưởng, chuyên gia đang cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp và cho ngành hàng hải.
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đó, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập của các chương trình đào tạo ngành máy tàu biển. Trước thực trạng trên, Khoa máy tàu biển đề xuất đổi mới Chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng, đảm bảo chuẩn đầu ra, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn nghề nghiệp.
Ông Hoàng Văn Dương - Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng hải Liên minh phát biểu với tham luận: “Đổi mới đào tạo ngành Máy tàu biển đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Giảng viên Bộ môn Tiếng Anh chuyên ngành, Khoa Ngoại ngữ phát biểu tham luận: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy Tiếng Anh cho sinh viên chuyên ngành Khai thác Máy tàu biển”.
Đại diện các doanh nghiệp, cựu sinh viên, sinh viên tham gia thảo luận, hỏi đáp trực tiếp tại Hội thảo
Tham gia thảo luận, trao đổi tại Hội thảo, Giảng viên của Nhà trường và đại diện doanh nghiệp, cũng như cựu sinh viên Khoa Máy tàu biển chia sẻ các giải pháp thu hút, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thuyền viên hàng hải Việt Nam, vị thế của thuyền viên Việt Nam trên thị trường thuyền viên thế giới, mô hình tổ chức, quản lý thuyền viên tại một số nước trong khu vực. Đặc biệt các đại biểu cho rằng giải pháp cần được chú trọng nhất hiện nay là nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, kết nối doanh nghiệp trong tài trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp để gắn lý thuyết với thực tiễn, cam kết về giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra Trường.
Ông Bùi Huy Tùng - đại diện cục Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đổi mới sáng tạo trong dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là nhiệm vụ sống còn của mỗi cơ sở giáo dục, bởi vậy Hội thảo “ Đổi mới đào tạo ngành Máy tàu biển đáp ứng yêu cầu thực tiễn” có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh nguồn nhân lực ngành máy tàu biển ngày càng tăng, nhưng cung không đủ cầu như hiện nay.
Nhân sự kiện trọng đại này, Khoa Máy tàu biển đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải nhằm đưa chương trình đào tạo gắn lý thuyết với thực tiễn, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Khoa Máy tàu biển đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải
Ảnh Hội thảo: “Đổi mới đào tạo ngành máy tàu biển đáp ứng yêu cầu thực tiễn” chi tiết TẠI ĐÂY